Trước tình hình khó khăn của các tổ chức tư vấn xây dựng và doanh nghiệp xây dựng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19, tại công văn số 75/2021/CV-VECAS ngày 9/8/2021 gửi Bộ Xây dựng, Hiêp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam đã có kiến nghị cụ thể một số nội dung đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định như:

Các chính sách nhằm giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng và hành nghề kiến trúc của cá nhân:

  1. Về hình thức tổ chức sát hạch hành nghề hoạt động xây dựng, kiến trúc:

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên trong thời gian vừa qua, các hoạt động tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân không được tổ chức theo kế hoạch và không đảm bảo thời gian quy định, hoặc không thể tổ chức nên nhiều cá nhân trên cả nước gặp nhiều khó khăn do đã hết hạn chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, hành nghề kiến trúc hoặc chưa được cấp. Do đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng ban hành chính sách cho phép các cơ quan, tổ chức xã hội – nghề nghiệp đủ điều kiện tổ chức sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, hành nghề kiến trúc theo hình thức trực tuyến.

  1. Về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân đã hết hạn hoặc sắp hết hạn trong năm 2021: cho phép kéo dài hiệu lực của Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân đã hết hạn từ 01 tháng Giêng năm 2021, sẽ hết hạn trong năm 2021 được kéo dài đến 31/12/2021.
  2. Về chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo Luật Kiến trúc:

Do các văn bản pháp luật, hướng dẫn về hành nghề kiến trúc mới được thực hiện nên nhiều cơ quan có thẩm quyền cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc tại các tỉnh, thành phố còn lúng túng và chưa thống nhất nên kiến nghị Bộ Xây dựng tổ chức giải đáp trực tuyến hoặc ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan này thống nhất triển khai thực hiện.

Đồng thời, kiến nghị gia hạn hiệu lực của lĩnh vực hành nghề “Thiết kế kiến trúc công trình; Thẩm tra thiết kế kiến trúc” đã được cấp trong Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân đã hết hạn từ 01 tháng Giêng năm 2021và sẽ hết hạn trong năm 2021 được kéo dài đến 31/12/2021.

  1. Về Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức: Kiến nghị kéo dài hiệu lực đến hết 31/12/2021 đối với Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức đã hết hạn và sẽ hết hạn trong năm 2021.

 

Đề xuất chính sách, bổ sung chi phí đầu tư xây dựng liên quan đến hoạt động xây dựng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19.

             Hiện nay các quy định pháp luật của Việt Nam về sự kiện bất khả kháng có thể nhận xét chung là chưa rõ ràng, không cụ thể và đầy đủ quy định pháp luật như nhiều nước trên thế giới; Do đó để xem xét giải quyết vấn đề ảnh hưởng của đại dịch COVID 19 trong hoạt động đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng hiện nay là sự kiện bất khả kháng cần thiết ban hành đầy đủ các quy định chi tiết trong Luật Xây dựng, Luật Dân sự. Vì vậy, nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng một số giải pháp sau:

  1. Các Thông tư hướng dẫn Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Nghị định 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2015/NĐ-CP về hợp đồng xây dựng chưa được ban hành; Dó đó đề nghị bổ sung vào Thông tư các nội dung, chi phí liên quan công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh như COVID 19, và chi phí chuyên gia tư vấn, nhân công do tạm ngừng công việc cho các bên tham gia dự án vào chi phí trực tiếp hoặc chi phí chung trong phương pháp tính dự toán xây dựng, thanh toán hợp đồng xây dựng.
  2. Các chi phí trực tiếp (vật liệu, nhân công) tại các dự án, công trình xây dựng đã và đang đối mặt với việc tăng giá đầu vào quá lớn; Do đó đề nghị ban hành chính sách cho phép các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 10/2021/NĐ-CP, Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định hợp đồng xây dựng, Nghị định 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2015 về hợp đồng xây dựng được bổ sung các chi phí tăng thêm này (nếu có do ảnh hưởng của dịch bệnh và trong mức độ phù hợp) vào chi phí trực tiếp hoặc bù chênh lệch giá. Đồng thời cần thiết ban hành các hướng dẫn về điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán hoặc giá gói thầu, giá hợp đồng, nhất là đối với các loại hợp đồng trọn gói, giá cố định.
  3. Cho phép và yêu cầu các chủ đầu tư thuộc các đối tượng dự án, công trình thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 37/2015/NĐ-CP, Nghị định 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2015 về hợp đồng xây dựng xác nhận, được điều chỉnh tiến độ gia hạn thời hạn hoàn thành công trình do ảnh hưởng của dịch bênh COVID 19 (nếu có), nhằm tránh cho nhà thầu xây dựng, nhà thầu tư vấn bị phạt hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại do nguyên nhân của dịch bệnh COVID 19.
  4. Các quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đấu thầu hiện nay chủ yếu áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và hợp đồng xây dựng giữa doanh nghiệp dự án PPP với các nhà thầu xây dựng thực hiện các gói thầu thuộc dự án PPP. Do đó đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét các chính sách đối với nguồn vốn khác để giảm thiểu bồi thường thiệt hại và phạt hợp đồng đối với các nhà thầu xây dựng, tư vấn xây dựng, nhà cung cấp vật liệu do nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng của dịch bênh COVID 19