Chiều 3 tháng 10 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện gần 30 doanh nghiệp, nhà thầu tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia và các hiệp hội: Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam.

 

Tại buổi làm việc, sau khi Lãnh đạo Bộ Xây dựng báo cáo tình hình khó khăn vướng mắc tại các công trình trọng điểm Quốc gia hiện nay, các đại biểu tham dự đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ hoàn thiện thể chế về đầu tư, hợp đồng, đấu thầu; cơ chế chỉ định thầu đối với một số công trình, gói thầu đặc biệt; tăng hạn mức vay cho các doanh nghiệp xây dựng; giải quyết triệt để các vướng mắc khó khăn về định mức đơn giá trong xây dựng công trình, giải phóng mặt bằng; tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia với vai trò quan trọng triển khai các dự án trọng điểm Quốc gia sắp tới nhằm tranh thủ công nghệ, kinh nghiệm, nguồn lực, quản lý…

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Thị Duyên phát biểu thống nhất chung với ý kiến của Bộ Xây dụng, các đại biểu và nêu bật mặc dù còn những hạn chế nhưng những thành tựu, đóng góp của lực lượng tư vấn xây dựng thông qua các dự án là đáng ghi nhận. Chủ tịch Hiệp hội báo cáo một số nội dung vướng mắc như: cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng khi áp dụng mẫu hợp đồng quốc tế (FIDIC) tại nhiều dự án trọng điểm có sử dụng vốn ODA đã được các Ban QLDA kiến nghị nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để;  vướng mắc về thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, nghiệm thu sản phẩm thiết kế khi áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) do chưa đầy đủ các quy định, hướng dẫn chi tiết; Định mức chi phí cho công tác tư vấn nói chung, nhất là chi phí tư vấn tại các dự án giao thông trọng điểm bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu công việc; về chậm nghiệm thu hồ sơ tư vấn dẫn tới khó khăn cho quyết toán, thanh toán  hợp đồng tư vấn. Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung thành phần hồ sơ nghiệm thu công tác tư vấn khi nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng.

Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Thị Duyên phát biểu tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ.

Bên cạnh báo cáo khó khăn vướng mắc, Chủ tịch Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét giao trọng trách cho các doanh nghiệp tư vấn xây dựng, nhà thầu xây dựng Việt Nam được tham gia thực hiện thiết kế, thi công với vai trò quan trọng tại các dự án trọng điểm Quốc gia sắp tới như dự án Đường sắt cao tốc tốc độ cao, Đường sắt đô thị…nhằm thực hiện được “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành xây dựng đến năm 2030” tại Quyết định 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/5/2022”. Đồng thời kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách để sớm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về tư vấn xây dựng (thiết kế, quản lý dự án – giám sát, quản lý hợp đồng), nhà thầu xây dựng…đáp ứng yêu cầu của Dự án này. Thực tế cho thấy mặc dù dự án phức tạp, kỹ thuật mới nhưng để kiểm soát tiến độ, hạn chế vướng mắc trong công tác nghiệm thu, thanh quyết toán, cần có sự phối hợp chặt chẽ với vai trò chính của các nhà tư vấn, nhà thầu trong nước.

Cuối buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Chính phủ luôn quan tâm các doanh nghiệp xây dựng; lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu với các khó khăn của doanh nghiệp; cơ bản đồng tình với các ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu, giao các bộ, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Thủ tướng Chính phủ khái quát một số kết quả đạt được trong triển khai các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia và nêu rõ 6 nhiệm vụ để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược.