Hội thảo sáng ngày 26 tháng 4 năm 2022 tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các đơn vị, tổ chức, cá nhân hầu hết là thành viên của Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam, hoạt động ở nhiều lĩnh vực như tư vấn xây dựng công trình dân dụng, công trình công nghiệp, điện, năng lượng, giao thông, cấp thoát nước, thủy lợi, nông nghiệp và phát triển nông thôn, quy hoạch…và có sự tham dự của nhóm chuyên Dự án tăng cường năng lực trong phát triển công cụ quản lý nhà nước đối với dự án xây dựng (Dự án SMTC) của tổ chức JICA.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo đã nhận định: Những năm qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt quan tâm công tác chi phí quản lý đầu tư xây dựng. Từ năm 2015 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, gồm nNghị định số 32/2015/NĐ-CP, Nghị định 68/2019/NĐ-CP và Nghị định 10/2021/NĐ-CP. Nghị định 10/2021/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn ban hành thay thế Nghị định 68/2019/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn đã có nhiều chính sách mới, hoàn thiện và thực tế hơn. Điều này cho thấy sự quan tâm của Bộ Xây dựng, nhất là Cục Kinh tế xây dựng với vai trò chủ trì, tham mưu cho Bộ trong việc xây dựng chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Tại hội thảo, các đại biểu đại diện cho VNCC, TEDI, PECC1, Viện Thiết kế Bộ Quốc phòng, Coninco đã đánh giá những thay đổi chính sách theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP đã tốt hơn nhưng cũng thẳng thắn nêu những khó khăn vướng mắc nhiều nhất là việc công bố giá vật tư, vật liệu đến chân công trình, công bố giá của của địa phương còn chậm và chưa sát với thị trường. Danh mục công bố còn thiếu nhiều loại vật liệu xây dựng chủ yếu, nhiều loại vật liệu công bố không kèm theo tiêu chuẩn và giá công bố nhiều khi không cập nhật so với diễn biến thị trường dẫn đến giá lập dự toán, giá gói thầu và giá thi công có sự chênh lệch lớn. Hầu hết, công bố giá vật liệu địa phương được xem xét trên cơ sở tham khảo báo giá của nhà cung cấp trên địa bàn tỉnh mà chưa xem xét đến khả năng cung cầu của thị trường. Đến khi có dự án lớn hoặc nhiều dự án được triển khai đồng thời đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý chi phí của chủ đầu tư và rủi ro của nhà thầu xây dựng.
Các đại biểu đề xuất Bộ Xây dựng và các Bộ chuyên ngành ưu tiên tập trung chỉnh sửa các định mức còn bất cập, ảnh hưởng lớn đến chi phí ĐTXD; xây dựng mới các định mức mang tính cấp thiết, còn thiếu trong hệ thống định mức. Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra các địa phương đối với việc công bố giá xây dựng kịp thời, phù hợp với giá thị trường và có sự kiểm tra thường xuyên.
Đối với vướng mắc, bất cập về định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, các ý kiến tập trung vào chi phí QLDA chỉ tính trên giá trị xây dựng và thiết bị là chưa phù hợp vì nhiệm vụ QLDA là toàn bộ các chi phí liên quan đến dự án, bao gồm cả chi phí tư vấn và chi phí khác; Chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) hiện nay vẫn thấp hơn rất nhiều so với chi phí thiết kế. Hơn nữa, giai đoạn FS rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả và tính sáng tạo của dự án, do vậy, cần dành nhiều thời gian và chi phí cho giai đoạn FS. Chi phí Không đề cập đến việc nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ hoặc ý tưởng mới trong thiết kế…Các đại biểu cũng thẳng thắn nêu những bất cập về tiền lương tư vấn, bất cập mức chi phí chung, định mức chi phí tư vấn đối với công trình giao thông; công bố chỉ số giá Quốc gia; quy định chi phí cho Ban Tranh chấp theo hợp đồng FIDIC, vướng mắc tại dự án ODA…
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Đàm Đức Biên cho biết trong thời gian qua, hệ thống cơ chế chính sách và các công cụ quản lý chi phí ĐTXD đã được Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo rà soát tổng thể, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Ông Đàm Đức Biên ghi nhận việc công bố giá và chỉ số giá xây dựng của hầu hết các địa phương đều có “độ trễ” hơn so với diễn biến thị trường.
Ông Đàm Đức Biên nhấn mạnh bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, của người quyết định đầu tư, các chủ đầu tư thì vai trò của tư vấn trong ĐTXD cũng rất quan trọng. Việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về quản lý chi phí ĐTXD là cần thiết. Cùng với đó, các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn xây dựng cũng cần hướng đến chuyên nghiệp hơn để cung cấp cho các chủ đầu tư những sản phẩm tư vấn tốt nhất. Cục Kinh tế Xây dựng sẵn sàng tiếp nhận, lắng nghe những ý kiến trao đổi của giới hành nghề về những khó khăn trong thực tiễn quản lý chi phí ĐTXD nói chung, về định mức, giá xây dựng nói riêng và cùng nhau làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp. Trên cơ sở đó, Cục sẽ tham mưu cho Bộ nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện chính sách, giải quyết để tháo gỡ vướng mắc.