Sáng ngày 02/11/2022 tại trụ sở Kiểm toán nhà nước, hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC” dưới sự chủ trì của bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước và ông Trần kim Lộc, Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán .
Tại Hội thảo, các bài tham luận và ý kiến thảo luận được trình bày bởi một số đơn vị thuộc Kiểm toán nhà nước; chuyên gia kinh tế; đại diện Bộ Giao thông vận tải, Học viện Tài chính, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (Chủ tịch và Tổng Thư ký tham dự), Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đã nêu ra những kết quả tích cực và một số tồn tại của hình thức hợp đồng EPC, đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của hình thức hợp đồng này.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đánh giá hiện nay việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC đã được thực hiện tại nhiều dự án, nhất là những dự án có yêu cầu về công nghệ cao. Dự án ĐTXD theo hình thức hợp đồng EPC đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho nhà thầu và chủ đầu tư, cho phép tận dụng được trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án, gói thầu. Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn bất cập, cơ chế chính sách liên quan còn chưa cụ thể hoặc chồng chéo khiến việc thực hiện các hợp đồng EPC còn nhiều khó khăn, các chủ đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều dự án còn chậm tiến độ, công nghệ lạc hậu, nên các dự án đầu tư theo hình thức EPC chưa phát huy được các lợi ích vốn có của hình thức này. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này.
Với ý kiến thảo luận của Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Thị Duyên cho rằng Với những quy định của pháp luật xây dựng hiện nay, hợp đồng EPC và hợp đồng tổng thầu EPC khác nhau về quy mô, phạm vi công việc và trách nhiệm quản lý, giám sát xây dựng của chủ đầu tư và nhà thầu. Song, các quy định chi tiết, cụ thể lại không thể hiện những yêu cầu khác nhau cho hợp đồng EPC hoặc hợp đồng tổng thầu EPC. Không những thế, nhiều văn bản pháp luật về đấu thầu, tài chính, quản lý dự án còn không xuất hiện cả cụm từ “tổng thầu EPC”.
Thực tế, nhiều dự án tại Việt Nam sử dụng mẫu hợp đồng kiểu chìa khóa trao tay của FIDIC để áp dụng cho hợp đồng tổng thầu EPC/hợp đồng EPC. Do đó khi vận dụng các hợp đồng xây dựng mẫu các bên phải xem xét hiệu chỉnh nội dung hợp đồng cho phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. Vấn đề là trong các văn bản pháp luật, luôn quy định tương tự như: Đối với hợp đồng xây dựng thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có những quy định khác với các quy định tại Luật/Nghị định này thì thực hiện theo các quy định của Điều ước quốc tế đó. Song, những quy định của hiệp định ký kết đến phạm vi nào khi áp dụng mẫu hợp đồng quốc tế như hợp đồng FIDIC cần được xem xét để hướng dẫn các chủ đầu tư khi chuẩn bị, phát hành hồ sơ đấu thầu, hạn chế bất cập vướng mắc dẫn đến tranh chấp hợp đồng trong quá trình thực hiện.
Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của Kiểm toán nhà nước và đề nghị Kiểm toán nhà nước phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, đấu thầu nghiên cứu các ý kiến tại hội thảo hôm nay, các kiến nghị của chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện dự án theo hình thức tổng thầu EPC nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án nhưng cũng tăng cường kỷ cương, nâng cao năng lực kinh nghiệm cho các chủ thể trong nước tham gia thực hiện dự án.
Hình ảnh hội thảo
Nguồn ảnh: Kiểm toán nhà nước