Trong bối cảnh tác động lâu dài của dịch bệnh COVID – 19 đối với kinh tế – xã hội của nước ta, tranh chấp trong hợp đồng xây dựng được dự đoán sẽ phức tạp, đặc biệt tại các dự án xây dựng có áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng thông qua Ban phân xử tranh chấp nhưng chưa có quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể tại nước ta.
Những vướng mắc, bất cập liên quan đến Ban phân xử tranh chấp đối với nhiều dự án sử dụng vốn hỗ trợ chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài áp dụng mẫu hợp đồng xây dựng của FIDIC cần được giải quyết của nhiều Bộ ngành trong việc đàm phán tài trợ vốn, đấu thầu, xây dựng, tư pháp. Mẫu hợp đồng xây dựng của FIDIC được áp dụng phổ biến tại tại các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và nhiều dự án sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua Ban phân xử tranh chấp (viết tắt tiếng Anh là DAB) hoặc tên gọi khác là Ban Tranh chấp (DB) nhưng chưa thực sự nghiên cứu sâu từ ban đầu nên đã và sẽ gặp nhiều vướng mắc. Sự vướng mắc, bất cập ở chỗ không có bất cứ quy định pháp luật, hướng dẫn nào của Việt Nam đề cập đến cơ chế phân xử tranh chấp thông qua Ban phân xử tranh chấp, ngoại trừ khái niệm “Ban xử lý tranh chấp” được nêu tại Điều 45, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng nhưng khác với bản chất của Ban phân xử tranh chấp theo hợp đồng FIDIC.
Cơ chế giải quyết tranh chấp có Ban phân xử tranh chấp theo hợp đồng FIDIC là cơ chế quản lý hợp đồng xây dựng, hạn chế được tranh chấp chính thức nếu sử dụng Ban phân xử tranh chấp thường trực đúng bản chất; quyết định của Ban phân xử tranh chấp mang tính ràng buộc và cuối cùng đối với chủ đầu tư, nhà thầu, nhà tư vấn nếu một trong các bên tham gia hợp đồng không có thông báo không thỏa mãn với quyết định của DB/DAB trong thời hạn thỏa thuận. Thành viên DAB do chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất lựa chọn, có thể gồm một thành viên duy nhất hoặc ba thành viên, là các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng mà nhà thầu thực hiện hợp đồng, am hiểu cách diễn giải tài liệu hợp đồng, thông thạo ngôn ngữ chủ đạo của hợp đồng. Thù lao và chi phí hoạt động của các thành viên DAB sẽ do chủ đầu tư và nhà thầu thanh toán theo thỏa thuận, mỗi bên chịu một nửa. Đây là cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được FIDIC khuyến nghị áp dụng nếu phù hợp với pháp luật của nước sở tại; các tổ chức tài chính quốc tế quốc tế khuyến nghị áp dụng tại các dự án họ tài trợ vốn. Tại các hội thảo quốc tế về sử dụng hợp đồng xây dựng do FIDIC tổ chức gần đây, đại biểu của tổ chức JICA luôn nhấn mạnh sự bắt buộc áp dụng và là điều kiện để đàm phán việc thu xếp tài chính cho các dự án. Kinh nghiệm tại một số nước trong ASEAN như Indonesia, mô hình Ban phân xử tranh chấp chỉ thực hiện được khi đã được thể chế hóa trong Luật Dịch vụ Xây dựng Indonesia năm 2017.
Thực tế tại Việt Nam, nhiều dự án áp dụng cơ chế này đang rất lúng túng trong việc thành lập DAB, về nguồn kinh phí thanh toán thù lao cho các thành viên DAB, nhất là sự thừa nhận cơ chế Ban phân xử tranh chấp vì chưa có các quy định pháp luật cụ thể.
Với trách nhiệm, vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp và là thành viên duy nhất của FIDIC tại Việt Nam, tại văn bản số 77/2021/CV-VECAS ngày 06 tháng 9 năm 2021, Ban Lãnh đạo Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ xem xét, rà soát, nghiên cứu sự phù hợp với Việt Nam và ban hành các quy định pháp luật đồng bộ đối với cơ chế giải quyết tranh chấp này trong hợp đồng xây dựng, tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân liên quan có thể thực thi nhiệm vụ hiệu quả, phù hợp pháp luật.